Phải thừa nhận công nghệ đã là phần không thể thiếu của đời sống nhờ những tiện ích mang lại. Nếu xưa kia phải mất nhiều ngày để một lá thư từ Hà Nội vào TP HCM thì giờ tâm tình gửi nhau chỉ trong tích tắc. Lợi ích về công nghệ là rõ ràng nhưng không thể không nhắc tới mặt trái.

Ở một số gia đình, vợ chồng, con cái đều say sưa trong thế giới riêng là điện thoại di động. Hậu quả là tình cảm vợ chồng nhạt nhòa, con cái trở nên tự ti, ngại tương tác với người thân. Cùng với đó, lấy lý do cuộc sống bận rộn nên phần lớn cha mẹ ít dành thời gian để giao tiếp, trò chuyện với con

Khi vợ chồng thờ ơ, con trẻ chìm đắm trong không gian ảo, tình cảm và mối quan hệ giữa vợ – chồng, ông bà – con cháu, cha mẹ – con cái không còn bền chặt, dễ lung lay là hệ quả khó tránh. Thực tế, nhiều gia đình không duy trì bữa cơm cùng nhau. Sự thiếu vắng những lời lẽ răn dạy, định hướng nhân cách, tâm tình, chia sẻ, cảm thông cũng bắt nguồn từ đó.

Mối nguy mặt trái của mạng xã hội như nói ở trên thì cha mẹ cần là người chuyển hóa đầu tiên. Theo đó, đừng chỉ say mê trong công việc, bạn bè trên mạng mà nên chuyển trọng tâm vào đứa trẻ của mình. Trò chuyện cùng con, ăn tối cùng con, thăm ông bà… là những hoạt động để giữ gìn truyền thống gia đình. Cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn, đề nghị được chia sẻ cùng con trẻ những khó khăn, giúp đỡ kịp thời.

Cha mẹ cũng đừng nghĩ rằng dừng việc sử dụng điện thoại, máy tính ngay lập tức được. Cần từ từ, tránh yêu cầu đột ngột mà trẻ có phản ứng bất hợp tác. Là người lớn, cha mẹ cần dạy con hiểu thế nào là đúng, sai từ đó dần thay đổi nhận thức trong trẻ.

Nuôi dạy con chẳng phải chuyện dễ, giúp đỡ con đi đúng đường và giữ gìn giá trị truyền thống gia đình còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, không thể không làm, bởi giữ gìn cốt lõi gia đình trong thời đại công nghệ chính là giữ gìn cho chính gia đình mình và là hạt nhân để phát triển xã hội.


Trần Trung Kiên (chuyên gia tâm lý)