Theo đài CNBC, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Mỹ nhận định báo cáo lạm phát hôm 12-1 khó có thể khiến các quan chức FED từ bỏ kế hoạch hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất.

Bộ Lao động Mỹ hôm 12-1 thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2022 tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021, hạ nhiệt từ mức 7,1% trong tháng 11-2022 và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 9,1% vào tháng 6-2022.

Trong khi đó, CPI lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm, tăng 5,7%, giảm từ mức tăng 6% hồi tháng 11. Ông Tom Barkin, Chủ tịch chi nhánh FED tại TP Richmond – Mỹ, cho rằng: “Thực tế chúng ta đang kìm hãm nền kinh tế và có lẽ đang trong tiến trình kiềm chế lạm phát”.

Ông Barkin ủng hộ một lộ trình tăng lãi suất chậm hơn nhưng kéo dài hơn và có khả năng tăng cao hơn tùy thuộc vào diễn biến của lạm phát. Trong khi đó, chủ tịch chi nhánh FED tại Philadelphia, ông Patrick Harker, cho rằng mức tăng lãi suất khoảng 0,25 điểm % trong thời gian tới là hợp lý và cần dừng tăng khi lãi suất vượt mốc 5%.

 Còn chủ tịch chi nhánh FED tại TP St. Louis, ông James Bullard, cho hay số liệu mới công bố cho thấy FED đi đúng hướng nhưng lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của FED và lãi suất cần tăng lên vượt mức 5% “càng sớm càng tốt”.

Người dân mua sắm trong siêu thị ở TP New York – Mỹ Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, FED đặt mục tiêu lãi suất trong phạm vi 4,25-4,5% tại cuộc họp vào tháng 12-2022. Các số liệu được công bố sau đó cho thấy lạm phát giảm và thị trường việc làm tăng khiêm tốn so với tốc độ tăng mạnh về việc làm và tiền lương trong phần lớn năm 2022.

Số liệu lạm phát được công bố hôm 12-1 cho thấy nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm” (nghĩa là giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ để tránh suy thoái) như kỳ vọng của FED và cho phép các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc tăng lãi suất ở mức 0,25 điểm% mà FED thường áp đặt trong những thập kỷ qua.

Ông Thomas Costerg, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Tài chính Pictet Wealth (Thụy Sĩ), nhận định báo cáo mới càng ủng hộ khả năng FED tăng 0,25 điểm% trong cuộc họp vào ngày 31-1 đến 1-2 tới.

Bà Anna Wong, nhà kinh tế học của Bloomberg, dự báo lãi suất của FED sẽ lập đỉnh 5% vào tháng 3 và duy trì ở ngưỡng đó trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Biên bản cuộc họp của FED hồi tháng 12 năm ngoái được công bố mới đây cho thấy không có nhà hoạch định chính sách nào của FED có ý định cắt giảm lãi suất trong năm 2023. Ông Barkin thận trọng cho rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát và lạm phát sẽ dai dẳng hơn trước khi giảm xuống mức mục tiêu 2%.

Dù vậy, thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến phiên giao dịch tăng điểm hôm 13-1 sau báo cáo lạm phát Mỹ hạ nhiệt vào tháng 12-2022. Các chỉ số quan trọng như Hang Seng của Hồng Kông, Shanghai Composite của Trung Quốc, S&P/ASX 200 của Úc, Kospi của Hàn Quốc và chỉ số MSCI của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) đều tăng mạnh.

Sắc xanh cũng phủ khắp các bảng điện tử chứng khoán Mỹ hôm 12-1 (giờ địa phương) khi CPI được công bố. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số Nasdaq lần đầu tiên kể từ tháng 7-2022, đồng thời là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Hưởng lợi từ sự lạc quan trên thị trường Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm khi mở cửa phiên hôm 13-1 (giờ địa phương). 

Chỉ số đồng USD (DXY) đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng qua vì thị trường kỳ vọng FED sẽ mềm mỏng hơn khi lạm phát hạ nhiệt. Giá vàng cũng tăng lên quanh ngưỡng 1.900 USD/ounce hôm 13-1 (giờ địa phương) và chứng kiến 4 tuần tăng liên tiếp.


Xuân Mai