Reuters ngày 19-6 cho biết tài liệu mật kể trên được liệt kê là “Số 19” trong bản cáo trạng buộc tội ông Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ. 

Dựa vào Đạo luật Năng lượng Nguyên tử Mỹ (AEA), tài liệu này chỉ có thể được giải mật thông qua quy trình liên quan đến Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Chuyên gia của chính phủ Mỹ Steven Aftergood nói rằng thông tin về vũ khí hạt nhân không được phân loại theo sắc lệnh hành pháp mà theo luật pháp. Vì lý do đó, ông Trump “không đủ thẩm quyền để giải mật tài liệu này dù là tổng thống”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của chuyên gia Steven trái ngược với lời khẳng định của ông Trump rằng ông đã “giải mật các tài liệu trước khi đưa chúng ra khỏi Nhà Trắng”. 

Tài liệu mật “Số 19” được đánh dấu là “FRD” (dữ liệu bị hạn chế trước đây), đề cập tới thông tin bí mật liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi không nhận tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia trong phiên tòa hồi tuần trước, ông Trump tuyên bố mình đã giải mật hơn 100 tài liệu khi còn ở Nhà Trắng.

Trong khi đó, thông tin vũ khí hạt nhân nhạy cảm nhất của Mỹ được đánh dấu là “RD” (dữ liệu bị hạn chế), bao gồm các thiết kế đầu đạn và sản xuất uranium và plutonium.

Dù Bộ Năng lượng Mỹ hạ cấp dữ liệu vũ khí hạt nhân cần chia sẻ với Lầu Năm Góc từ RD xuống FRD nhưng các tài liệu đó vẫn được phân loại là tài liệu mật.

  • Luật sư hàng đầu của ông Trump rút khỏi vụ điều tra tài liệu mật

Trước đó, ông Trump bị truy tố 37 tội danh, gồm che giấu và lưu giữ trái phép tài liệu mật nhưng không nhận tội tại tòa án liên bang ở Miami, bang Florida hôm 13-6. 

Theo luật pháp Mỹ, không có cáo buộc nào trong số 37 tội danh trên ngăn cản ông Trump vận động tranh cử hoặc thậm chí là nhậm chức tổng thống. Những rắc rối pháp lý hiện tại cũng không ảnh hưởng đến vị thế của ông đối với các cử tri Đảng Cộng hòa, theo thăm dò công bố ngày 12-6 của Reuters/Ipsos.


Phạm Nghĩa