Trước cổng chùa Tam Thai rêu phong, hai cây bàng đại thụ như hai vị hộ pháp canh giữ tạo sự uy nghiêm cho ngôi chùa. Thân cây bàng xù xì vết thời gian, cành lá phân chi khác thường so với đồng loại

Không biết hai cây bàng này đã tồn tại được bao lâu, xuất hiện khi nào. Nhưng các sư thầy và bô lão tại địa phương đều xác định có thể chúng đã được trồng vào thời vua Minh Mạng

Khi ấy đức vua triều Nguyễn cho trùng tu và phong Quốc tự Tam Thai (năm 1825) và cũng có khả năng chính Đức Vua chỉ định trồng hai cây này

Ngày nay, giá trị của hai cây bàng không chỉ là tạo bóng mát, sự uy nghi cho ngôi chùa. Nó còn là minh chứng về thời gian và cả thêm câu chuyện kỳ thú, đẫm màu dã sử xung quanh sự ra đời của nó

Người dân địa phương nơi đây cho rằng, sự đặc biệt của hai cây bàng có âm và có dương, có “Đực và Cái” rõ ràng

Cây “Bàng Đực” nằm phía Tây (thuộc hướng âm), cây “Bàng Cái” nằm phía Đông (thuộc hướng dương). Theo lẽ biến hóa vận động của sự sống thì trong âm có dương, trong dương có âm, trong “Kinh dịch” còn gọi là thiếu âm và thiếu dương

Trong cặp bàng âm – dương, một cây bàng bên trái của chùa có một khe lõm vào người ta gọi là “Bàng Cái”. Khi muốn cầu duyên, người nữ áp má vào cây “bàng cái”, nghĩ về người yêu mình một cách chân thành nguyện giữ và thực hành bốn chữ “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Nếu sau đó cả hai dắt tay nhau vào động Huyền Không trình diện, nguyện cầu “ông Tơ, bà Nguyệt”, chắc chắn sau này cuộc tình của họ sẽ toại nguyện và đẹp như mộng…

Trong khi đó, một cây bàng bên phải của chùa có một bìu thịt dư lồi ra khá to người ta gọi là “Bàng Đực”. Những đôi nam nữ muốn cầu duyên, người nam áp má vào cây “bàng đực”, nghĩ về người yêu mình một cách trong sáng, nguyện giữ và thực hành năm chữ: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” thì sẽ được thành nguyện

2 cây bàng âm – dương nằm trong quần thể 7 cây di sản tại di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, tuổi đời từ 206 đến 611 năm tuổi, mang nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, gồm có: Cây đa sộp (đa lá đỏ) ở sườn đông ngọn Thủy Sơn (sau lưng chùa Linh Ứng), 2 cây bàng âm dương trước cổng chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn, cây thị sau lưng chùa Tam Thai và cụm 3 cây bồ kết ở động Tàng Chơn thuộc khu vực phía nam ngọn Thủy Sơn

Cây Đa sộp (đa lá đỏ) ở Linh Ứng Tự thuộc diện là “Cây cảnh đại thụ”, bởi dáng của nọ nằm trên một “hòn non bộ khổng lồ”. Cây đa tồn tại trên núi đá vôi không mấy màu mỡ mà gốc to đến độ hàng chục người ôm không xuể (có chiều cao khoảng từ 27 đến 30 m và có niên đại khoảng 250 đến 300 năm) là điều xưa nay hiếm thấy

Cây đa di sản bao trùm che chở cho toàn bộ ngôi chùa cổ kính, tạo cảm giác uy nghiêm mỗi lần ghé thăm

Cây thị nằm sau lưng chùa Tam Thai, có tuổi đời hơn 200 năm

Cây di sản này nằm trong khu vực khép kín, bị che khuất bởi mái chùa Tam Thai và núi đá nên ít du khách được tiếp cận trực tiếp

Bóng thị che mát một góc chùa Tam Thai

Cách đó không xa Linh Ứng Tự, chếch hướng Nam là Động Tàng Chơn với 3 cây Bồ kết cực lớn ở xung quanh. Nó tỏa bóng mát che chắn đường vào động và cũng bảo vệ cho các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng hoạt động tại đây

Thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, đây là nơi trú ngụ các chiến sĩ cách mạng. Động là nơi lưu giữ, phát đi các công văn giấy tờ (được xem là văn phòng làm việc của các đồng chí cách mạng trong thời chiến)

Trong cụm 3 cây bồ kết này, cây nhỏ nhất có tuổi đời hơn 160 năm, cây lớn nhất khoảng 211 năm. Phần ngọn và tán lá của các cây bồ kết bị cây đa sộp che bóng

Đáng tiếc, một trong 3 cây bồ kết đã bị mục nát, ngã đổ hoàn toàn. Hai cây còn lại cũng đang có dấu hiệu sâu mọt, được Ban quản lý danh thắng chăm sóc, phun thuốc trừ sâu mọt định kỳ

Cùng với hệ thống ma nhai, các cây di sản với nguồn gốc nhuốm màu huyền sử đã tạo nên nét cuốn hút riêng có của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, khiến du khách quyến luyến không muốn về


Hải Định