Tại sao ngày vui của dân tộc mà lắm người muốn trốn Tết đi du lịch. Mấy cô bạn tôi hễ thấy chị em nào đi du lịch Tết là lại thốt lên “Ôi, cậu sướng thế”, rồi lại tần ngần nhìn đống hành củ, măng khô, mộc nhĩ, bóng bì đang ngâm đầy ắp trong chậu.
Với nhiều chị em, Tết là ác mộng
Tết, “ô-sin” về quê, vợ biến thành người giúp việc, thậm chí khổ cực hơn vì phải nấu cơm cỗ cho vài chục lượt khách ăn; phải đi chợ tích đồ và sơ chế cho 5 ngày Tết; phải lo mua quà cáp để biếu cha mẹ và gia đình nhà chồng; phải đánh vật với hai đứa trẻ – đang quá phởn chí vì Tết mà nhảy nhót hoặc khóc ngằn ngặt vì không ai chơi với; phải lau dọn toàn bộ nhà cửa cho sáng lên như gương và trang trí sao cho cũng tương đối so với nhà hàng xóm để chồng đỡ bề xấu hổ; phải chuẩn bị đồ cúng cho tươm kẻo xúi quẩy cả năm; rồi cũng phải có chậu cây cảnh, ít mứt Tết.
Chưa kể, vợ cũng như chồng, đi làm 8 tiếng, phải chạy nước rút việc cơ quan cuối năm. Chuẩn bị ngần ấy thứ cho nhà mình xong, còn cuống quýt chạy sang nhà chồng, cũng với quy trình tương tự: mua sắm, sơ chế, nấu nướng, dọn dẹp, trang trí, sắp đặt và tay xách nách mang lên nhà bác cả, nhà ông trẻ để thắp hương cho trọn đạo nghĩa.
Xong xuôi mới tất tả chạy vội sang nhà mẹ đẻ, kẻo cả năm có ba ngày Tết, nhỡ mẹ thiếu thứ gì và dù mẹ chiều đến mấy thì cũng thêm tay thêm chân tham gia “quy trình” ấy – chẳng ít thì nhiều.
Tết với nhiều chị em là ác mộng, không phát điên lên là may. Mà cũng khối người “phát điên” thật, mới buột miệng to tiếng với chồng, ấy cũng là do xì-trét quá.
Nhưng các bà vợ ấy vẫn còn sung sướng chán. Nhiều cô gái lấy chồng xa, thậm chí vùng sâu, Tết năm nào mặt cũng buồn rượi, biết chắc suốt đời mình sẽ chẳng còn mấy khi được thoải mái vui vầy cùng mấy cô bạn học trong vườn hoa ngày Tết giữa chốn thị thành đô hội ấy nữa. Tết, vội vã sắm sửa xong thì phải ẵm con lên đường về quê chồng. Nơi ấy chẳng phải chỗ quen thuộc, chẳng phải tiện nghi mà sẵn wifi, lò sưởi, bình nóng lạnh, chẳng náo nức mà có trung tâm thương mại với những cụm rạp hiện đại mùng 2 đã chiếu phim hài cười bể bụng.
Nơi ấy, cô vợ trẻ rất có thể phải nhúng tay vào nước lạnh mà nấu ăn, để rồi chỉ ăn cầm chừng cho đỡ đói những món mình phải nấu theo khẩu vị nhà chồng, để rồi đêm đến, vợ chồng phải nằm tạm trên chiếc giường hẹp của cậu em chồng thay vì chăn nệm quen thuộc…
Những cô gái ấy cũng biết là chỉ chịu đựng vài ngày thôi, không phải tất cả, và đây là nơi chốn thân thương của người mà mình muốn chung sống suốt đời, là đạo lý đã kéo dài nhiều ngàn năm, là trách nhiệm, là nghĩa, là tình nên cũng im lặng không dám thể hiện chút nào nỗi mong mỏi cho mấy ngày Tết ấy qua đi thật nhanh và đếm lùi cho đến thời khắc được về lại nhà.
Cũng có cô không giấu được nỗi lòng, đêm đến cất tiếng thở dài, nhất là khi chập chiều vừa thấy cô bạn thân đăng ảnh mùng 4 Tết lên Facebook: Cả đại gia đình đang quây quần bên một bàn ăn lấp lánh ánh nến sát bờ biển. Mâu thuẫn bắt đầu từ tiếng thở dài ấy. Chồng ở thành phố có khó chịu đến mấy về bà vợ “sợ Tết” thì cũng chỉ phát cáu lên là cùng nhưng chồng ở chốn xa xôi, đôi khi còn mang nỗi mặc cảm và những “ám ảnh” khác.
Minh họa: Hoàng Đặng
Cần sự yêu thương, cảm thông
Tôi có cậu bạn quê Hà Tĩnh. Lấy vợ được dăm năm thì bỏ nhau, cũng chỉ loanh quanh ở mấy tiếng thở dài và “không tươi vui” trong những chuyến hồi hương cách vài trăm cây số. Việc chẳng lớn gì đâu, quan trọng là cách ứng xử thôi.
Người ta bất hạnh ở chỗ luôn coi mọi sự là đương nhiên. Lấy chồng thì phải theo chồng. Chồng bảo gì phải nghe, ai chả thế. Sao người đàn ông chẳng nghĩ người vợ đã cống hiến cho gia đình tới 360 ngày, còn 5 ngày, hẵng cứ dành cho vợ chỉ 3 ngày thôi, mà bất quá 2 ngày cũng được, bằng những lời thủ thỉ: “Tết này, mình về ông bà đến mùng 3, rồi đi ăn Tết Sa Pa đến mùng 6 về đi làm em nhé. Anh sẽ chụp cho em một bộ ảnh toàn mai, đào làm nền để em đăng lên Facebook cho bạn bè ghen tị nè”. Hoặc là “Năm nay ta về ăn Tết ké ông bà để tiết kiệm tiền, năm sau chồng sẽ đền cho vợ một chuyến Maldives từ mùng 2 Tết được không”.
Đến thế thì vợ còn hoảng Tết làm sao được. Người phụ nữ ấy sẽ yêu Tết quá đi thôi, sẽ biết ơn mẹ chồng còn đôi chút vụng về và bố chồng thi thoảng khó tính ấy rằng sao họ lại có thể tạo ra một người đàn ông tuyệt vời đến nhường vậy.
Rồi nữa, chồng tần ngần: “Hay là năm nay mình anh đưa con về thăm ông bà thôi nhỉ. Bố con chỉ đi 2 ngày thôi, còn em cứ về ngoại chơi với ông bà và các bạn đi, chứ Tết năm nay dự báo siêu rét, em về đấy lại phải rửa bát mấy bữa anh xót lắm”. Thể nào vợ cũng giãy nảy lên: “Làm sao mà như thế được, hai bố con đi hết thì em nhớ chịu sao nổi. Thôi, em đi cùng, đằng nào cả năm nay em cũng đã gặp ông bà đâu”.
Các ông chồng đọc những dòng này, thế nào cũng ghét: “Liệu một việc giản đơn như vậy giữa vợ chồng đầu gối tay ấp thì có cần thiết phải “bày mưu tính kế” thế không? Tại sao một năm có vài ngày mà cũng không hy sinh được, lại cứ làm cho to chuyện ra?”.
Không, người phụ nữ nào cũng sẵn sàng hy sinh hết, chẳng phải riêng Tết, mà là 365 ngày, mà là cả đời, chỉ là Tết đến, cô ấy cũng muốn có một món quà mừng tuổi cho riêng mình, quà ấy là sự yêu thương, cảm thông của người chồng. Được chia sẻ, các bà vợ như có doping, lại “cống hiến” gấp 5, gấp 10 ngày thường ấy chứ!
Bỗng tôi nhớ năm nào ăn Tết ở Gyeongju – Hàn Quốc. Hôm ấy là chiều 30 tháng chạp, tôi thấy các cặp đôi nhàn tản nắm tay nhau đi dạo trên những con đường nắng vàng như rải mật, dưới hàng cây mùa đông gần như trụi lá.
Lại có những gia đình ra đồng cỏ thả diều hoặc mấy bà mẹ mặc trang phục truyền thống cho con trai chụp ảnh. Ủa, họ không ở nhà để dọn dẹp, sắp bàn thờ và nấu cơm cúng ư? 30 Tết là ngày bận nhất trong năm mà lại kéo cả ra đây chơi thế này. Sao họ sướng thế! Và những người đàn bà Hàn Quốc ấy họ thích Tết.