TAND Cấp cao tại TP HCM dự kiến sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) cùng 22 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba vào ngày 27-3. Chủ toạ phiên xét xử là thẩm phán Võ Văn Khoa.

Phiên xét xử phúc thẩm được mở do có kháng cáo từ 16/23 bị cáo, 97 bị hại và 2 cá nhân tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm tại phiên xét xử sơ thẩm.

Trong đó, Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) cùng 2 em trai là Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh đều có đơn kháng cáo.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng bản thân không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, không chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đây cũng là nội dung mà bị cáo Luyện đã nói kể từ lúc bị tạm giam đến khi đưa ra xét xử.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai kháng cáo kêu oan cả 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Ở phiên xét xử trước đó, Mai chỉ kêu oan tội “Rửa tiền”. Các bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt tù.

Cá nhân, tổ chức có liên quan có đơn kháng cáo là Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP HCM và bà Nguyễn Thị Thuý Nguyệt.

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định: Tội phạm do bị cáo Nguyễn Thái luyện và các đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ trong thời gian rất ngắn, từ đầu năm 2018 đến tháng 9-2019, thông qua việc tự lập, vẽ các dự án bất động sản và ký kết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền dự án, Nguyễn Thái Luyện đã chiếm đoạt số tiền 2.446 tỉ đồng của 4.548 bị hại trên khắp cả nước.

Xét số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại đặc biệt lớn, mặt khách còn phá vỡ kế hoạch quản lý sử dụng đất của nhà nước, HĐXX nhận thấy cần có bản án thật nghiêm khắc.

HĐXX buộc bị cáo Luyện và bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại.

Chi tiết mức án của 23 bị cáo trong vụ án:


Ý Linh