Thông tin trên được TS-BS Lưu Ngân Tâm – Chủ tịch Liên Chi hội dinh dưỡng lâm sàng TP HCM, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) – cho biết tại buổi tập huấn về truyền thông Sức khỏe dinh dưỡng cho người bệnh. Chương trình do Câu lạc bộ (CLB) Điều dưỡng trưởng Việt Nam phối hợp cùng Vinamilk tổ chức tập huấn cho hơn 150 điều dưỡng trưởng tại các bệnh viện trên địa bàn TP HCM.

Hơn 150 điều dưỡng trưởng tại các bệnh viện trên địa bàn TP HCM được tập huấn về dinh dưỡng cho người bệnh

Theo bác sĩ Ngân Tâm, hiện nay, với nhiều phương pháp, kỹ thuật trang thiết bị hiện đại được đầu tư giúp điều trị người bệnh. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục của người bệnh; có tác dụng điều trị tình trạng suy dinh dưỡng, tăng miễn dịch, tăng cường thể chất cho người bệnh  Đặc biệt, giảm tỉ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị bệnh…

Theo TS-BS Lưu Ngân Tâm, có 25% bệnh nhân tử vong do suy dinh dưỡng trước khi tử vong do ung thư. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trong giúp người bệnh mau hồi phục kể cả trước và sau phẫu thuật.

Đối với người bệnh ung thư, theo thống kê, có 25% bệnh nhân tử vong do suy dinh dưỡng trước khi tử vong do ung thư. Tương tự, với một số bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, thận. Ví dụ, ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối bị suy dinh dưỡng thì tỉ lệ tử vong chiếm 1/3. Vì vậy, dinh dưỡng cho bệnh nhân rất quan trọng, kể cả trước và sau phẫu thuật.

Theo bác sĩ Tâm, nhiều quan niệm sai lầm về dinh dưỡng ung thư mà bệnh nhân cần tránh. Cụ thể: thứ nhất, ăn uống kiêng khem gần như ăn rất ít hoặc chỉ ăn gạo lứt muối mè. Nguyên nhân bởi quan niệm ăn ít thì khối ung thư sẽ nhỏ lại. “Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh kiểu ăn kiêng khem có tác dụng làm khối ung thư nhỏ lại hoặc không di căn. Ngược lại, ăn quá ít trong thời gian dài khiến cơ thể thiếu năng lượng, dần dần suy kiệt và có thể tử vong” – bác sĩ Tâm nhấn mạnh.

Thứ hai, ăn hay uống thực phẩm chức năng. Đây là quan niệm sai lầm bởi chất dinh dưỡng không thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư mà cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, tăng miễn dịch, tăng cường thể chất.

Thứ ba, quan niệm kiêng hoàn toàn thịt đỏ (heo, bò…) sẽ giảm cung cấp máu cho khối u phát triển. Tuy nhiên, kiêng khem các thực phẩm này có thể gây ra thiếu đạm, cản trở quá trình lành vết thương, giảm khả năng phòng ngừa nhiễm trùng.

Thứ tư, sau mổ không ăn, uống các loại thực phẩm giàu vitamin C để tránh vết mổ “chảy nước vàng”. Quan niệm này không đúng vì vitamin C giúp phát triển collagen, tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy nhanh quá trình liền vết mổ.

Thứ năm, từ chối không uống sữa dinh dưỡng để khối u không phát triển thêm. Nhưng việc bổ sung sữa giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng là cần thiết, vì sẽ giúp người bệnh phục hồi hay tránh bị suy dinh dưỡng nặng thêm, góp phần cải thiện kết quả điều trị, nâng cao chất lượng sống.


Hải Yến