Những năm gần đây, đào rừng của người dân trồng ở khu vực Tây Bắc đã trở thành mặt hàng được nhiều người ưa chuộng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Từ nhiều ngày trước, các lái buôn cây cảnh đã đánh hàng chục chuyến đào rừng về Hà Nội để phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân.

Theo ghi nhận, dọc tuyến dường Lạc Long Quân (Tây Hồ) và khu hội chợ xuân Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) được bày bán rất nhiều đào rừng.

Nhìn từ xa, loại cây cảnh này trông như… củi khô bởi vẻ ngoài xù xì, rêu phong.

Một số bộ phận có mốc trắng, thân cây khẳng khiu và chưa có dấu hiệu của việc nở hoa: không có lộc, mắt thường khó quan sát được nụ hoa.

Lái buôn cho biết đây là đặc trưng của đào rừng, phần lớn khách mua đào rừng Tây Bắc vì yêu thích vẻ đẹp giản dị, nguyên bản.

“Những năm gần đây, đào rừng mua từ các hộ dân trồng lẻ ở Tây Bắc cũng có thế cây khá đẹp. Chỉ cần đợi khoảng 2 tuần hoa sẽ bung nở vừa kịp chơi Tết, hoa nở tươi và chơi bền hơn hoa đào trồng dưới xuôi, vẻ đẹp của hoa tương phản với cành cây khẳng khiu” – anh Hữu Chung, một lái buôn ở Sơn La, cho biết.

Theo khảo sát, đào rừng Tây Bắc hiện được bán với giá dao động từ 3 triệu đến hơn 20 triệu đồng/cành, có gốc cổ thụ lên đến 50 triệu đồng/cành. Phần lớn đều là đào rừng của dân trồng theo quy mô lớn.

Những cành đào rừng khẳng khiu, rêu phong như… cành củi khô.

Những cành đào rừng này có có chiều cao trung bình từ 1,5 đến 4 m, chủ yếu là đào phai 5 cánh, hoa có màu phớt hồng.

Một số gốc được giới thiệu là cổ thụ có kích thước thân cây lớn, bán kính khoảng 15 cm.

Theo các lái buôn, khi mua về cắm nước khoảng 2-5 ngày, đào sẽ bắt đầu bung nở, đâm chồi nảy lộc trên thân cây.


Hữu Hưng