Khi còn học phổ thông, tôi mong một lần tham quan Khu Di tích Bạch Đằng Giang, vùng đất Tràng Kênh – Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Ao ước ấy giờ đã thành hiện thực, khi ở tuổi gần 60, tôi mới có dịp cùng đoàn đại biểu dự Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 đến nơi này.

Được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng, nơi lưu danh sử sách những chiến thắng hào hùng của cha ông, gắn với nhiều sự kiện lịch sử – văn hóa, nhiều bài thơ để đời về truyền thống yêu chuộng hòa bình và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc, các thành viên trong đoàn ai cũng cảm thấy bồi hồi.

Đến nhà bảo tàng, nơi trưng bày hiện vật lịch sử, lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắt con thuyền nhẹ, làm bằng thân cây gỗ lim đã tồn tại sau nhiều thế kỷ; những cọc gỗ lim có tuổi cả ngàn năm…

Đã tìm hiểu lịch sử, nhưng khi nhìn những hiện vật cổ kính ấy, trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả; bởi chính những con thuyền đơn sơ ấy, những cọc gỗ ấy, cùng với ý chí, mưu trí và tinh thần đoàn kết của một dân tộc đã nhiều lần đánh bại quân xâm lược; có đoàn quân đã từng chinh phục gần hết châu Á và nhiều nước châu Âu. Lời giới thiệu truyền cảm của hướng dẫn viên càng làm cho khách tham quan xúc động, tất cả đều trật tự, yên lặng và lắng nghe chăm chú từng lời.

Quần thể Khu Di tích Bạch Đằng Giang – trong đó có tượng đài Đức Vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Quảng trường Chiến Thắng – luôn thu hút đông đảo du khách, học sinh tham quan

Tại Quảng trường Chiến Thắng có tượng đài 3 anh hùng dân tộc: Đức Vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ trong ký ức, những bài học lịch sử mà thầy cô đã giảng dạy lại hiện về trong tâm trí tôi. Lời bài “Hịch tướng sĩ” bất hủ của Trần Quốc Tuấn vẫn còn đâu đây: “… Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng…”. Từ nỗi đau và trăn trở của bậc vương gia ấy, vua tôi đã đồng lòng, chọn đúng thời cơ, làm nên chiến thắng oanh liệt, lưu danh sử sách muôn đời.

Ngoài sông Bạch Đằng, di tích bãi cọc ngàn năm vẫn còn đó. Những bãi cọc được xây dựng nên với tinh thần đoàn kết, cùng với kế sách và ý chí quật cường đã góp phần tạo nên 3 chiến thắng oanh liệt: Năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi, nối lại quốc thống cho người Việt, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Năm 981, vua Lê Đại Hành đã tái tạo trận địa cọc làm nên chiến thắng giữ yên độc lập cho nước Đại Cồ Việt. Năm 1228, trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, dưới tài chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đại Việt đã chiến thắng làm bạt vía quân thù.

Dừng lại bên bia đá khắc bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” của Nguyễn Trãi, tôi đọc bài thơ, lòng cảm thấy tự hào về tài trí của cha ông. Bài thơ không những thể hiện khí phách mà mang cả tinh thần nhân văn cao cả của người Việt: “Biển rung, gió bấc thổi băng băng/ Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng/ Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng/ Quan hà hiểm yếu trời kia đặt/ Hào kiệt công danh đất ấy từng/ Việc cũ quay đầu, ôi đã vắng/ Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”.

Tham quan Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tình cờ nghe cô giáo giảng bài lịch sử cho một lớp học. Bài giảng hay quá nên dù đứng xa tôi vẫn chăm chú lắng nghe. Cô giáo kể về những ngày tháng vô cùng khó khăn của đất nước sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tổ quốc lúc bấy giờ lại lâm nguy, tình thế của đất nước “Ngàn cân treo sợi tóc” vì “giặc đói”, “giặc dốt”, vì các thế lực thù địch ra sức phá hoại nền độc lập còn non trẻ của nhân dân ta. Lúc cô giáo đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ, các em học sinh và cả khách tham quan đều xúc động lắng nghe: “… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ Quốc…”. Lời kêu gọi của Bác ngày ấy, nay đã trở thành “bảo vật quốc gia” cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết của toàn dân tộc. Là bài học lịch sử thường xuyên cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chương trình của đoàn chỉ có 2 giờ tham quan Bạch Đằng Giang, chúng tôi cố đi thật nhanh, mong muốn được đi hết, ghi lại trong tâm trí thật nhiều những hình ảnh, câu chuyện trên mảnh đất thiêng liêng này với lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Cùng với các đoàn tham quan, tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang có nhiều đoàn học sinh đang được thầy cô đưa đi học tập trải nghiệm lịch sử. Nhìn những bước chân nhanh nhẹn, háo hức của các em đi đến từng điểm di tích rồi chăm chú nghe hướng dẫn viên, nghe thầy cô giới thiệu, giảng giải lịch sử, tôi cảm thấu được rằng: Nếu thế hệ đi trước càng dày công dạy dỗ vun đắp thì thế hệ sau sẽ càng tự hào, trân trọng lịch sử.

Và trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc sẽ khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. 


Bài và ảnh: TRẦN HỮU PHƯỚC