Trước việc Sở Y tế TP HCM có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế TP HCM, trong đó có việc giao đất để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới; đại diện các bệnh viện cho rằng cần có chính sách rõ ràng thì mới thực hiện được.

Cần sự hài hòa, cạnh tranh lành mạnh

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh (TP HCM), cho biết được chăm sóc y tế là nhu cầu không thể thiếu của mọi người. Dù y tế công hay tư cũng đều chăm sóc sức khỏe cho người dân. “Hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân tại TP HCM rất lớn. Bởi hệ thống y tế không chỉ điều trị cho người dân thành phố mà còn chăm sóc sức khỏe cho người dân tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, y tế công lập hay tư nhân hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân” – bác sĩ Minh tiết lộ.

Bác sĩ Minh cho rằng hiện nay, trong các chính sách, y tế công thuận lợi hơn y tế tư nhân. Bởi y tế công ngoài khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân còn thực hiện những chính sách khác. Trong khi đó, y tế tư nhân đều phải tính đúng, đủ (ngược với y tế công). “Ví dụ, y tế công được hỗ trợ về đất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… còn y tế tư nhân không được như vậy. Đây là sự khác biệt, do đó, khi so sánh y tế công – tư rất bất cập và khập khiễng” – bác sĩ Minh nói.

Bệnh nhân chờ đợi khám bệnh tại một bệnh viện tư ở TP HCM

Bác sĩ Minh phân tích, trong điều kiện hiện nay, để xây dựng bệnh viện tư cần nguồn vốn rất lớn nên cần từng chính sách, tạo điều kiện. Do đó, nếu chính sách này được thông qua, phải có sự hài hòa, nếu không sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh ngay trong hệ thống y tế tư nhân. Bởi đối với một đơn vị y tế tư nhân đang hoạt động, được đầu tư từ A-Z sẽ thiệt thòi hơn một đơn vị được nhà nước hỗ trợ bằng chính sách mới. “Cần phải có sự hài hòa trong luật kinh doanh, đầu tư và đặt lợi ích của bệnh nhân làm trung tâm” – bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng đề xuất này tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn đối với các đơn vị y tế công lập. Bởi hiện các đơn vị này đã có nhân lực nhưng thiết bị, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế. Do đó, nếu đề xuất này được thông qua thì các đơn vị công và tư sẽ làm đề án phối hợp để được phê duyệt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.

Vì quyền lợi của người bệnh

Theo bác sĩ Khang, nếu bệnh viện tư họ đầu tư từ con người tới cơ sở vật chất, trang thiết bị thì chi phí khám chữa bệnh cao, vì họ tính đúng, tính đủ. Nếu phối hợp với bệnh viện công thì cần phải tính toán giá khám chữa bệnh hợp lý, hướng về người bệnh. Ví dụ, nếu ở tư nhân phải chi trả 10 đồng, công lập chỉ mất 5 đồng nhưng khi cùng kết hợp thì chỉ còn 7-8 đồng. Như vậy, bản thân tư nhân cũng có thể tích lũy, tận dụng được thương hiệu của bệnh viện công. Bên cạnh đó, người bệnh đến khám cũng được thụ hưởng dịch vụ tốt với giá hợp lý. “Như vậy, phải dung hòa được lợi ích của người bệnh, của đơn vị tư nhân lẫn công lập” – bác sĩ Khanh phân tích.

Trong trường hợp, nếu đề xuất trên được thông qua, theo bác sĩ Minh cần phải có cơ chế dứt khoát, rõ ràng, công ra công, tư ra tư. “Đây cũng là một trong những giải pháp hướng tới nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, giải pháp này cần phải xem xét kỹ, đồng thời, được đánh giá lâu dài để tạo sự công bằng trong môi trường đầu tư giữa tất cả các thành phần tạo nên hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân” – bác sĩ Minh chia sẻ.

Đại diện Bệnh viện Nam Sài Gòn (quận 7, TP HCM) cho biết hiện tại TP HCM đang theo tiêu chuẩn y tế Việt Nam nên số giường bệnh trên đầu bệnh nhân vẫn còn thiếu trầm trọng. Trong khi đó, đặc thù tại TP HCM và Hà Nội tiền đất rất cao. Để sở hữu 1 ha đất tại 2 khu vực này chi phí rất lớn. Cùng với đó, đặc thù lợi nhuận từ y tế không cao, chỉ có tâm huyết mới duy trì được. Bởi thực tế, có nhiều chính sách còn vướng mắc, bất cập.

“Do đó, nếu đề xuất được thông qua thì cần phải có điều chỉnh luật rõ ràng vì giữa đúng sai chỉ cách nhau trong gang tấc nếu chỉ dựa vào thông tư, nghị định” – đại diện bệnh viện này nêu ý kiến và nhận định: “Bây giờ chưa cần đến mức hỗ trợ đất mà chỉ cần hỗ trợ chuyên môn chính thức công khai thì khối công phát triển rất mạnh. Thay vì mời chuyên gia nước ngoài thì mời chuyên gia tại bệnh viện công để họ hỗ trợ chuyên môn và trả công cho họ xứng đáng” – đại diện Bệnh viện Nam Sài Gòn đề xuất. 

Người yếu thế cũng phải được tiếp cận nguồn bác sĩ giỏi

TS-BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc Bệnh viện Gia An (TP HCM), cho biết thêm dự án hợp tác công tư giữa Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện Nhân dân 115 được triển khai trên cơ sở Bệnh viện Nhân dân 115 hỗ trợ chuyên môn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Gia An 115. Mô hình này đã giúp Bệnh viện Gia An 115 hoàn thiện đội ngũ nhân sự có trình độ cao, qua đó giúp giảm tải không những cho Bệnh viện Nhân dân 115 mà còn cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM thông qua số lượng bệnh nhân tăng trưởng nhanh qua các năm, đặc biệt trong lĩnh vực cấp cứu điều trị các bệnh lý tim mạch, thần kinh và chấn thương chỉnh hình. Về việc đào tạo chuyên môn cho nhân sự tại bệnh viện, bác sĩ Long cho biết việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật được đẩy mạnh trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, lọc máu liên tục, thay huyết tương, can thiệp mạch máu não. Trong đó, điều kiện thuận lợi là có sự chỉ đạo, ủng hộ của UBND TP HCM, Sở Y tế và đặc biệt là của Bệnh viện Nhân dân 115.

“Tuy nhiên, nhân sự bệnh viện công sang làm việc tại bệnh viện tư còn rất hạn chế. Do đó, đơn vị phải tuyển dụng đầy đủ nhân sự cho bệnh viện mà không thể chia sẻ nguồn nhân sự của Bệnh viện Nhân dân 115” – bác sĩ Long cho hay.

Chia sẻ thêm về việc sau dịch COVID-19, tình trạng bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư, đại diện một bệnh viện tư tại quận 7 cho rằng đây không phải là chảy máu chất xám. Bởi họ vẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, nếu tình trạng bác sĩ giỏi tại bệnh viện công chuyển sang tư thì người yếu thế trong xã hội sẽ gặp bất công vì không có điều kiện điều trị tốt. Do đó, làm sao để bệnh viện tư phát triển nhưng những trường hợp yếu thế vẫn được tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-1


Bài và ảnh: Hải Yến