Ngày 19-4, tại TP HCM, Ban Tổ chức Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam làm việc với LĐLĐ TP HCM về giao, quản lý biên chế của cơ quan LĐLĐ cấp TP, cấp quận.

Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu; Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy.

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu tại buổi làm việc

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Trần Thị Diệu Thúy, trong bối cảnh kinh tế TP HCM phát triển như hiện nay, dưới tác động của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lao động, việc làm và quan hệ lao động đang thay đổi một cách sâu sắc, đa dạng, phức tạp… Đây là một thách thức rất lớn đối với Công đoàn Việt Nam và cả hệ thống chính trị.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu bức thiết đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thuhoạt động công đoàn. Cùng với đó là yêu cầu về đảm bảo nguồn lực đủ mạnh (bao gồm nguồn lực về tài chính và nguồn nhân lực), tập trung mọi nguồn lực hướng về cơ sở, lấy nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động làm trung tâm cho mọi hoạt động để thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mặt khác, dự báo trong thời gian tới, nhiều hình thức sử dụng lao động ngày càng phát triển đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, trong đó, đáng chú ý là các hình thức mới của quan hệ việc làm như lao động cho thuê lại, lao động bán thời gian, lao động làm thuê tại gia đình, lao động trên nền tảng công nghệ….

Vì vậy, hoạt động của công đoàn cần chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước và từng bước mở rộng sang khu vực phi chính thức, đồng thời mở rộng đối tượng kết nạp đoàn viên đối với khu vực này. Ngoài ra, quy mô đoàn viên và công đoàn cơ sở ngày càng tăng đòi hỏi Công đoàn TP HCM phải đủ nguồn lực để quản lý, hướng dẫn triển khai hoạt động.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bà Trần Thị Diệu Thúy cho rằng để giải quyết được những thách thức trên, Công đoàn TP HCM cần có bộ máy tổ chức, biên chế đủ để điều hành, hoạt động hiệu quả, chuyên sâu. Trong đó, tăng cường hoạt động và nâng cao vai trò của các cơ quan tham mưu giúp việc cơ quan LĐLĐ TP, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Cụ thể, LĐLĐ TP HCM cần sử dụng 477 biên chế, tăng 77 biên chế. Cụ thể, cơ quan LĐLĐ TP HCM 74 biên chế (tăng 6 biên chế) để đảm bảo thực hiện theo cơ cấu phòng ban và số lượng cấp phó theo đúng Quy định số 212 của Ban Bí thư. Cơ quan LĐLĐ quận, huyện và thành phố Thủ Đức 275 biên chế (tăng 31 biên chế). Cơ quan công đoàn ngành sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương 128 biên chế (tăng 40 biên chế, chủ yếu tập trung cho Công đoàn các Khu chế xuất và Công nghiệp TP).


TRƯỜNG HOÀNG