Trong văn hóa tâm linh của người Việt trước đây cũng như của nhiều dân tộc châu Á, lân – sư – rồng biểu trưng cho chính nghĩa với sức mạnh phi thường, đủ sức trấn áp những điều xấu, vận rủi… Lân hay rồng đều chỉ có trong thần thoại, vì vậy, người xưa quan niệm nếu được diện kiến những linh vật này, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội, ngày khai trương hay động thổ, đồng nghĩa với nhiều điều may mắn, chắc chắn sẽ có được vận may, sự hanh thông và phát đạt trong công việc cũng như cuộc sống.

Lân Sư Rồng là một phần ký ức tuổi thơ

Điểm tinh túy của các điệu múa lân sư rồng chính là sự kết hợp giữa nét đẹp tâm linh và võ thuật truyền thống, tùy theo không gian và thời gian mà người ta có thể biểu diễn từng bài và cách múa cho phù hợp. Nếu để thi tài với nhau, các đội có thể biểu diễn bài múa kết hợp lân với rồng, lân với sư hay kết hợp cả ba thể loại, kết hợp với dàn nhạc cụ gõ, trống, thanh la và chập chõa.

Bề dày truyền thống lịch sử

Lân Sư Rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc, có truyền thống lâu đời ở Việt Nam và hiện vẫn được duy trì phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành trong cả nước. Múa Lân Sư Rồng được nhiều tầng lớp xã hội ưa chuộng, đặc biệt là khi biểu diễn vào những ngày đầu năm mới, tại các lễ hội truyền thống hay các hoạt động khánh tiết.

Những chú sư oai dũng, mạnh mẽ, tượng trưng cho chính nghĩa

Từ một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm nét giải trí, biểu diễn Lân Sư Rồng dần được nâng tầm thành hoạt động thi đấu thể thao, khuyến khích người tập nâng cao thể chất, tầm vóc và nghị lực. Với xuất phát điểm từ phương pháp đào tạo, huấn luyện dựa trên nền tảng tập luyện võ thuật, các đoàn Lân Sư Rồng về mặt nào đó cũng chính là những “lò” võ dân gian, đại diện cho nhiều môn phái khác nhau.

Nhắc đến Lân Sư Rồng, khu Sài Gòn – Chợ Lớn được xem như cái nôi nuôi dưỡng và phát triển nhiều đoàn lân nổi tiếng hàng thập niên qua, thừa hưởng nhiều nét tinh túy của các thế hệ võ sư đỉnh cao gắn bó mật thiết với biểu diễn. Nếu như các đoàn Liên Nghĩa đường, Hằng Anh đường, Tinh Anh đường, Hào Dũng đường, Xuân Hoa đường… có quá trình hoạt động lâu dài, phát triển mạnh mẽ thì Nhơn Nghĩa đường lại đóng vai trò quan trọng, nổi bật nhất với đầu tàu là nghệ nhân, chưởng môn Lưu Kiếm Xương, nhiều lần đại diện lân sư rồng Việt Nam tham gia tranh tài tại các giải đấu quốc tế.

Lân – Sư – Rồng tề tựu tại đại hội thành lập Liên đoàn

Nhiều địa phương hiện đã thành lập liên đoàn, đáng chú ý nhất là Liên đoàn Lân Sư Rồng TP Cần Thơ được thành lập từ năm 2014, sau đó là Liên đoàn Lân Sư Rồng TP HCM ra mắt vào năm 2020. 

Lân Sư Rồng cũng chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia, gần nhất là Liên hoan Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ 9 tổ chức mới đây tại TP Hải Phòng với sự tham gia của gần 150 VĐV đến từ các câu lạc bộ Lân Sư Rồng của 5 tỉnh, thành (An Giang, TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng), tranh tài ở 5 nội dung: Nhảy bục, Mai hoa thung, Múa rồng, Địa bửu và Leo cột cá nhân.

Tổng thư ký Liên đoàn Lân Sư Rồng Lê Quốc Huy trình bày kế hoạch phát triền

Trước đó, vào năm 2022, Lân Sư Rồng cũng lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần IX tại Quảng Ninh và thành công rực rỡ cả về công tác tổ chức lẫn chuyên môn. Hơn 20 tỉnh, thành phát triển phong trào, 10 doanh nghiệp có tư cách pháp nhân về hoạt động loại hình này đã được thành lập, làm tiền đề cho bước phát triển mới.

Nâng tầm, vươn ra biển lớn

Với mục tiêu phát triển phong trào Lân Sư Rồng ở các địa phương theo hướng chuyên môn hóa, đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu trên cả nước, năm 2012, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã ban hành thông tư quy định về điều kiện hoạt động cơ sở thể thao tổ chức hoạt động Lân Sư Rồng trên cả nước. Đây cũng được xem là văn bản chính thức cho quá trình tổ chức hoạt động và thi đấu của bộ môn Lân Sư Rồng.

Cột mốc đưa lân sư rồng Việt Nam hội nhập quốc tế

Tháng 6-2022, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Ban vận động thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Sau gần 10 tháng, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam lần đầu tiên được ra mắt với sự ủng hộ của trên 140 tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cùng đông đảo những người yêu mến Lân Sư Rồng trên cả nước. 

Đây là bước đi cần thiết để Lân Sư Rồng Việt Nam với vai trò một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo Luật Thể dục thể thao, sẽ tham gia thúc đẩy phong trào, tăng cường cơ hội hội nhập quốc tế, phát triển và đưa Lân Sư Rồng Việt Nam gặt hái nhiều thành tích tại đấu trường quốc tế.

Ban Chấp hành quy tụ những nhân tố giàu nhiệt huyết vì sự phát triển của LSR Việt Nam

Nhân Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam với 63 ủy viên tham gia ban chấp hành nhiệm kỳ đầu tiên 2023-2028, TS Phạm Quang Long – Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Quốc tế Việt Nam IVS, tân chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam – nhận xét: “Bộ môn Lân Sư Rồng đã và đang phát triển rộng khắp trên toàn thế giới> Thông qua bộ môn này để truyền tải giá trị của cuộc sống, đạo lý nhân văn và thắp lên hi vọng cho mọi người thì đó mới là điều thật sự cao cả. Tôi tin rằng Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẽ là dấu mốc lớn của bộ môn Lân Sư Rồng tại Việt Nam”.

Các Hiệp hội lân sư rồng Malaysia tặng quà lưu niệm cho Liên đoàn LSR Việt Nam

Tham gia Ban chấp hành Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam, ngoài những nghệ nhân, võ sư nổi tiếng như Lưu Kiếm Xương, Lương Tấn Hằng, Lư Trấn Lợi, Lương Ấn Đường, Giang Văn Đạt, Nguyễn Hữu Long, Lưu Hoán Phi, còn có cựu võ sĩ Nguyễn Thị Phương Lan; NSND, đạo diễn điện ảnh Trọng Trinh; NSƯT Trịnh Kim Chi, đạo diễn điện ảnh Xuân Phước, doanh nhân Lâm Nhật Dân… TS Phạm Quang Long đắc cử chức vụ chủ tịch liên đoàn, cựu nhà báo Lê Quốc Huy giữ chức tổng thư ký.


Đào Tùng – Ảnh: Đông Linh