Chiều 24-4, chương trình “Mai Vàng tri ân” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á, đã đến thăm nhà Đại tá tình báo Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu, cụm trưởng tình báo H63) và Thiếu tướng tình báo Sáu Trí (Nguyễn Văn Khiêm, cụm trưởng tình báo A20).

Buổi thăm hỏi diễn ra trong thời điểm cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2023). 

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bìa trái) và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (bìa phải) trao quà của chương trình “Mai Vàng tri ân” cho Đại tá tình báo Tư Cang

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á đã ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe Đại tá tình báo Tư Cang và Thiếu tướng tình báo Sáu Trí. 

Lãnh đạo hai đơn vị cho biết rất vui và vinh dự khi được đến thăm 2 cán bộ lão thành cách mạng, nhất là trong những ngày tháng 4 lịch sử. Đồng thời bày tỏ mong muốn 2 ông luôn mạnh khỏe, minh mẫn, mãi là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo. Dịp này, chương trình “Mai Vàng tri ân” đã trao tặng mỗi cán bộ lão thành cách mạng số tiền 20 triệu đồng.

Đại tá tình báo Tư Cang chia sẻ về những câu chuyện lịch sử

Đại tá tình báo Tư Cang năm nay 95 tuổi, sống tại nhà riêng ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM. Hiện tại ông vẫn có thể tự đi lại được, tinh thần vẫn còn minh mẫn. Ông vẫn thường xuyên tham gia các buổi chia sẻ về lịch sử, truyền thống đánh giặc của dân tộc cho các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đại tá tình báo Tư Cang tặng cuốn sách do chính ông viết cho ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

Buổi thăm hỏi Đại tá tình báo Tư Cang trở thành một buổi kể chuyện lịch sử rất đặc biệt. Các thành viên của đoàn đều say sưa lắng nghe ông nhắc lại những câu chuyện lịch sử, những trận chiến ác liệt và đặc biệt là sự kiện ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử của dân tộc. 

Đại tá tình báo Tư Cang ở tuổi 95

Nhắc về những ngày tháng 4-1975 lịch sử, ông cho biết thời điểm đó đang tham gia hoạt động tại Lữ đoàn biệt động đặc công. Theo lời kể của ông, Lữ đoàn biệt động đặc công có nhiệm vụ dẫn đường cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn; bảo vệ các cây cầu; tấn công vào các mục tiêu lớn như cơ quan tổng tham mưu, kho đạn, kho xe tăng; huy động nhân dân may cờ.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (bìa trái) nhận cuốn sách do Đại tá tình báo Tư Cang tặng

Nhớ lại buổi trưa 30-4-1975, ông Tư Cang kể lúc đó ông đang làm Chỉ huy sở của lữ đoàn ở Hóc Môn. Lúc này, ông cùng pháo binh quan sát trên bản đồ, chỉ ra các điểm để lực lượng của ta nã pháo vào.

Ông Tư Cang ví cảm xúc của mình trước sự kiện lịch sử ngày 30-4-1975 như “Người nông dân trồng lúa đến ngày thu hoạch”. Ông kể tiếp: “Ngay tối 30-4-1975, tôi về lại khu Thị Nghè để tìm gặp lại vợ, con sau mấy chục năm xa cách. Tôi rời gia đình để tham gia hoạt động cách mạng khi vợ đang mang thai. Ngày đó cũng là ngày mừng của gia đình tôi. Trong cái vui của toàn dân thì có cái vui của gia đình”.

Chia tay Đại tá tình báo Tư Cang, chương trình “Mai Vàng tri ân” tiếp tục đến thăm Thiếu tướng tình báo Sáu Trí. Ông hiện đang sống cùng con gái thứ 3 của mình trong căn nhà tại phường 25, quận Bình Thạnh. Dù không thể nói được nhưng thông qua ánh mắt, nụ cười của ông thì những người thực hiện chương trình cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của ông khi được đoàn đến thăm.

Đại diện chương trình “Mai vàng tri ân” tặng quà cho Thiếu tướng tình báo Sáu Trí

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (74 tuổi, con gái ông) cho biết đến tháng 6 năm nay ông sẽ tròn 100 tuổi. Ông vẫn thường xem phim về cách mạng Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn có thể trả lời bằng tiếng Pháp khi có ai hỏi. Trước sự ra đi của người vợ thì sức khỏe của ông có phần giảm đi trong 3 tháng trở lại đây.

Trò chuyện với đoàn, bà Nguyệt cho biết rất ấn tượng với lời dạy của cha trong những ngày tháng 4 lịch sử của 48 năm về trước. Lúc đó, cha luôn nhắn nhủ chúng tôi: “Làm gì thì làm cũng phải học, vì sau khi đất nước được giải phóng rất cần những người có chuyên môn, có kiến thức”.

Đoàn viên thanh niên của Báo Người Lao Động chụp hình với Thiếu tướng tình báo Sáu Trí

Giải thích về lời dạy của cha, bà Nguyệt kể: “Khi chiến tranh thì ông đưa các con vào chiến khu từ rất sớm, khi đó trình độ văn hóa mới lớp 5, lớp 6. Thực hiện theo lời dạy của cha thì 10 năm sau, các con của ông đều đạt trình độ đại học, có người còn là tiến sĩ, làm việc và đóng góp tích cực cho các sở, ban, ngành”.

Thay mặt cha và gia đình, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt bày tỏ xúc động khi được đoàn đến thăm hỏi, tặng quà. Bà cho biết gia đình rất trân quý những tình cảm, sự quan tâm của chương trình “Mai Vàng tri ân”. Bà cũng tin rằng những tình cảm của chương trình sẽ giúp Thiếu tướng tình báo Sáu Trí thêm sống vui, sống khỏe cùng con cháu.


Tin: LÊ VĨNH. Ảnh: TẤN THẠNH