Trong hoàn cảnh nào, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở vẫn làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).

Khi tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thuận lợi, Công đoàn cơ sở phát động các phong trào và tổ chức hoạt động chăm lo phù hợp với nguyện vọng của công nhân. Lúc DN khó khăn không thể bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ, Công đoàn ra sức thuyết phục người sử dụng lao động phải tuân thủ luật.

  • Cán bộ Công đoàn phải giỏi một việc, biết nhiều việc

Khả năng đeo bám tình hình cùng sự kiên trì của đội ngũ cán bộ Công đoàn đã góp phần quan trọng trong việc ổn định quan hệ lao động tại DN. Cũng nhờ Công đoàn mà NLĐ được hưởng chế độ tiền lương, phúc lợi cao hơn luật định. Từ thực tiễn trên, có thể khẳng định NLĐ rất cần tổ chức Công đoàn. Họ gia nhập Công đoàn vì trước tiên muốn được bảo vệ và sau là mong muốn có thêm nhiều phúc lợi. 

Vì vậy, để củng cố niềm tin của đoàn viên – lao động vào tổ chức Công đoàn, Công đoàn các cấp phải làm thật tốt vai trò đại diện, nhất là trong tình hình nhiều DN gặp khó khăn phải cắt giảm lao động như hiện nay. Ngoài bản lĩnh, cán bộ Công đoàn phải nắm vững luật để vừa có thể giám sát tốt việc thực hiện chính sách pháp luật tại DN vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ khi cần.

Công nhân mua sắm tại chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” do Công đoàn các KCX-KCN TP HCM tổ chức. Ảnh: NGÂN HÀ

Không chỉ bảo vệ quyền lợi của đoàn viên ở phạm vi DN, tổ chức Công đoàn còn phải nhanh nhạy hơn nữa trong vấn đề xây dựng chính sách liên quan NLĐ, nhất là các vấn đề thiết thân như điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, BHXH, lương hưu và tuổi nghỉ hưu…

Thời gian vừa qua, khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi được đưa ra góp ý, nhiều NLĐ đã tìm đến Công đoàn cơ sở để gửi gắm nguyện vọng của mình (giữ nguyên phương án giải quyết BHXH một lần như hiện nay), đồng thời mong muốn tổ chức Công đoàn sẽ đưa tiếng nói và nguyện vọng của họ đến với nghị trường Quốc hội.

  • Hết lòng chăm lo đoàn viên – lao động

Vì vậy, tôi cho rằng với những thay đổi về mặt chính sách, tổ chức Công đoàn cần mở rộng hơn nữa việc lấy ý kiến trong CN, đội ngũ cán bộ Công đoàn, luật sư, luật gia là cộng tác viên của các trung tâm tư vấn pháp luật của Công đoàn làm cơ sở để góp ý phản biện chính sách. Song song đó, tập trung chăm lo cho NLĐ, nhất là trong tình hình nhiều DN giảm lương, giảm giờ làm khiến đời sống của rất nhiều CN bị ảnh hưởng. Ở thời điểm này, việc đẩy mạnh về quy mô và chất lượng của chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” là vô cùng cần thiết.

Hiện rất nhiều DN khó khăn và Công ty TNHH Ampfield cũng không ngoại lệ. Nếu được, tôi mong Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét tăng tỉ lệ phân phối kinh phí Công đoàn về cơ sở đối với những đơn vị bị giảm giờ làm (chỉ còn làm việc 14 ngày/tháng trở lại) để Công đoàn có thêm kinh phí chăm lo cho CN. Việc tăng tỉ lệ có tính chất tạm thời, diễn ra trong những tháng DN bị giảm giờ làm nhưng sẽ là khích lệ rất lớn đối với NLĐ.


Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield (KCN Tân Bình, TP HCM)