Đông Nam Á trở thành tâm điểm chú ý trong tháng 11-2022 khi là nơi diễn ra một loạt hội nghị quan trọng, thu hút sự tham dự của lãnh đạo nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Trước tiên, Campuchia là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 13-11 tại thủ đô Phnom Penh.

Trong số này, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) là diễn đàn thường niên, tập trung vào vấn đề hợp tác khu vực, đối thoại chiến lược về các vấn đề an ninh, chính trị và kinh tế. EAS hiện có 18 nước thành viên, gồm 10 nước ASEAN và Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga.

Sau đó, sự chú ý được dành cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới), diễn ra tại Bali – Indonesia trong 2 ngày 15 và 16-11. Sự kiện thường niên này tập trung thảo luận những vấn đề lớn liên quan đến kinh tế toàn cầu.

Riêng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, 3 vấn đề ưu tiên là tăng cường kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng bền vững. Tổng thống Indonesia Joko Widodo còn hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận vấn đề giá năng lượng và lương thực tăng cao – vốn đang cản trở sự hồi phục kinh tế toàn cầu từ đại dịch COVID-19.

Lực lượng an ninh này sẽ tham gia bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới ở Nusa Dua, Bali – Indonesia. Ảnh: REUTERS

Cuối cùng là Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC, gồm 21 nền kinh tế thành viên) dự kiến diễn ra tại thủ đô Bangkok – Thái Lan trong 2 ngày 18 và 19-11.

Ngoài các vấn đề như hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư, Hội nghị Cấp cao APEC năm nay còn tập trung vào nỗ lực khôi phục những kết nối bị mất do COVID-19, giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày một nghiêm trọng, các vấn đề môi trường quan trọng…

Trang NikkeiAsia (Nhật Bản) nhận định việc nhiều hội nghị quốc tế diễn ra tại một khu vực trong cùng một tháng là điều hiếm thấy. Dù thành phần tham dự và chương trình nghị sự của những hội nghị nói trên là khác nhau, các cuộc thảo luận được cho là sẽ tập trung vào chuyện củng cố quan hệ kinh tế.

Trong khi các hội nghị G20 và APEC sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế, hội nghị ASEAN dự kiến còn thảo luận các vấn đề chính trị và an ninh, như tình hình Ukraine, an ninh hàng hải…

Nhà Trắng vào cuối tuần rồi thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mỹ – ASEAN, EAS và Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, ông Biden không dự Hội nghị Cấp cao APEC. Thay vào đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ dự hội nghị này.

Tham dự các hội nghị ở Campuchia, ông Biden sẽ tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ với khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác Mỹ – ASEAN trong việc bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, Tổng thống Mỹ sẽ cùng các nhà lãnh đạo khác tìm giải pháp cho các thách thức lớn hiện nay, như biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế, an ninh năng lượng và lương thực…

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27-10 cho biết ông vẫn chưa quyết định có dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 hay không. Theo trang Euronews, nhà lãnh đạo này nói rằng nếu không dự, ông sẽ cử một phái đoàn cấp cao của Nga đến Bali thay mình.

 Nếu ông Putin quyết định ngược lại, đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lớn đầu tiên mà người đứng đầu Điện Kremlin tham dự cùng các nhà lãnh đạo hàng đầu phương Tây kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2. 

Giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden không có ý định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 nếu nhà lãnh đạo Nga tham dự. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng hiện không có kế hoạch gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tại hội nghị giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng về việc Riyadh gần đây ủng hộ cắt giảm sản lượng dầu.


Hoàng Phương