Theo tờ The New York Times, sau khi được cấy ghép thiết bị, ông Gert-Jan Oskam, 40 tuổi, đã có thể đứng, đi bộ, lên dốc mà chỉ cần khung tập đi hỗ trợ.

Hơn 1 năm sau khi cấy ghép, ông vẫn giữ được khả năng này và bắt đầu có dấu hiệu của sự phục hồi thần kinh thực sự, có thể đi lại bằng nạng ngay cả khi đã tắt thiết bị.

Ông Gert-Jan Oskam. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Chuyên gia tủy sống Grégoire Courtine của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ cho biết thiết bị của họ đã nắm bắt suy nghĩ của ông Oskam, biến suy nghĩ này thành sự kích thích tủy sống để thiết lập lại chuyển động tự nguyện của các bộ phận cơ thể thông qua các điện cực.

  • Bệnh bại liệt tái xuất ở nhiều nước

Một số kỹ thuật nền móng nhằm kích thích não bằng máy phát xung điện đã được ông Courtine và các cộng sự nghiên cứu từ năm 2016, đạt được một số thành công bước đầu trên động vật và thành công hạn chế trên người.

Giờ đây, theo ông Oskam, công nghệ mới cải tiến giúp ông kiểm soát cơ thể thực sự thay vì bị kiểm soát bởi thiết bị như các công nghệ trước đó.

Dù vậy, thành tựu nói trên vẫn còn một số hạn chế, như không chữa được tất cả trường hợp liệt tủy, đòi hỏi nhiều ca phẫu thuật và nhiều giờ vật lý trị liệu. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đang nỗ lực cải thiện để công nghệ hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn trong tương lai.


Anh Thư