Ngày 24-5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin vừa nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1-2023. 

Kết quả có 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số. Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện.

Việt Nam có thêm nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.  

  • Có “vua tôm” bảo lãnh, ngân hàng cũng không dám cho vay nuôi tôm

Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho phía bạn. Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục và GACC triển khai theo kế hoạch của phía GACC. 

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng cao, ở mức gần 30% so với cùng kỳ 2022, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thị trường Trung Quốc. Tính đến 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 805 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Những mặt hàng đóng góp cho tăng trường này là: sầu riêng, chuối, mít, thanh long,… Với sầu riêng, khi Trung Quốc phê duyệt thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì tăng trưởng sẽ cao hơn nữa. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu rau quả có thể vượt 4 tỉ USD” – ông Nguyên dự báo.  


Ngọc Ánh – Ảnh: An Na