Ngày 6-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ TP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Hà Nội. Ảnh: CTV

Kiến nghị nhiều vấn đề

Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu 4 nhóm kiến nghị. Cụ thể, về đường Vành đai 4-Vùng thủ đô, đề nghị Thủ tướng, các bộ, ngành cho phép tỉnh Hưng Yên phê duyệt các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong trường hợp tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư tại chủ trương đầu tư.

Về triển khai dự án thành phần 3 (Dự án PPP), kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP và được giao Ban quản lý dự án chuyên ngành TP là chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với dự án PPP do nhà đầu tư thực hiện.

Về việc áp dụng cơ chế đặc thù của Dự án đường Vành đai 4, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc cho phép nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP và BOT (dự án thành phần 3) được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: CTV

Đối với các tuyến đường sắt đô thị, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng 7 kiến nghị. Trong đó, sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn-ga Hà Nội (đề xuất trong tháng 5-2023); đối với Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng Hòa Lạc), để bảo đảm việc cân đối nguồn lực trong việc thực hiện dự án, kính đề nghị Thủ tướng xem xét, ưu tiên cho TP sử dụng nguồn vốn từ nguồn ODA để đầu tư dự án…

Đối với lĩnh vực nhà ở, trong đó về phát triển nhà ở xã hội, đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội đối với đối với quỹ đất ở 20% thuộc các dự án có quy mô ≥ 2ha được nộp bằng tiền, tạo nguồn lực đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung; cho phép Hà Nội được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội.

Về phát triển nhà ở tái định cư, đề nghị Thủ tướng cho phép dừng thực hiện cơ chế đầu tư thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Cho phép chuyển đổi một số khu nhà tái định cư không dùng đến chuyển sang làm nhà ở xã hội.

Về quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước không phải mục đích để ở, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất. Trong đó giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý và quy định việc sử dụng số tiền thu được từ khai thác quỹ nhà, đất này. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị…

Dám nói, dám nghĩ, dám làm

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội phải nắm bắt tình hình, vận dụng sáng tạo vào tình hình thành phố và cả nước; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch TP và các quy hoạch liên quan; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng xử lý các vấn đề gần đây, trong đó khắc phục các yếu kém của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện miễn giảm thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại, giãn hoãn nợ, nhóm nợ; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.

Đặc biệt, Hà Nội phải huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, trong đó thực hiện các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này. Theo đó, thứ nhất, các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ. Thứ hai, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất. Nguyên tắc thứ ba là bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời. Thủ tướng giao TP Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-5.

Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển công nghiệp phụ trợ; ưu tiên đầu tư dịch vụ có giá trị gia tăng và tính liên kết ngành cao như tài chính, logistics, thương mại điện tử; chuyển đổi, hình thành các xây dựng khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia…

“Hà Nội phải đẩy mạnh và phát huy tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí xem xét, giải quyết; đồng thời giao các bộ, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn thành phố thực hiện theo quy định và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

“Các Bộ trưởng chịu trách nhiệm phối hợp với Chủ tịch UBND TP Hà Nội rà soát lại các vấn đề, nhiệm vụ và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất phương án, giải pháp xử lý để Chính phủ xem xét, quyết định; việc xử lý, giải quyết các nội dung phải đảm bảo khả thi, hiệu quả, kịp thời, đúng hạn” – Thủ tướng nhấn mạnh.


B.H.Thanh