Trưa 26-12, TAND tỉnh Gia Lai quyết định tạm dừng phiên tòa sơ thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Gia Lai đến ngày 29-12.

Nguyên nhân là do bị cáo Nguyễn Thế Quang (SN 1957, cựu Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai) vắng mặt tại tòa vì phải nhập viện điều trị chữa thoát vị đĩa đệm.

HĐXX đã tập trung làm rõ sai phạm, vai trò của các bị cáo trong việc cố ý lập dự toán kinh phí của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai trùng dự toán kinh phí 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai (đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán riêng) và được cấp tổng cộng gần 2,4 tỉ đồng.

Phiên tòa buộc phải gián đoạn do bị cáo Nguyễn Thế Quang (đứng giữa) nhập viện điều trị

Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thế Quang chối tội khi cho rằng bản thân không chỉ đạo, không có chủ trương, không tham mưu về vấn đề sai phạm như cáo trạng truy tố. Các sai phạm này đã có từ thời trước, bị cáo chỉ kế thừa.

Còn bị cáo Nguyễn Thị Lựu thừa nhận bản thân là người xây dựng dự toán. Nguyên nhân là do sợ bị cắt biên chế và không nghĩ vậy là sai phạm. Bà Lựu cũng cho rằng việc lập dự toán này bà không thể tự quyết mà đều họp với lãnh đạo và được chỉ đạo lại. Có lãnh đạo biết sự việc này.

Theo cáo trạng VKSND tỉnh Gia Lai, về trách nhiệm người đứng đầu HĐND tỉnh Gia Lai từ năm 2013 đến 2016, gồm các ông Phạm Đình Thu, Chủ tịch HĐND tỉnh từ năm 2013 đến tháng 12-2015 và Dương Văn Trang, Chủ tịch HĐND tỉnh từ tháng 12-2015 đến hết năm 2016 và 2 phó chủ tịch HĐND tỉnh trong giai đoạn này.

Bị cáo Quang không báo cáo cho Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai biết việc lập dự toán trùng 7 biên chế của Đoàn ĐBQH. Mặt khác, ông Quang là thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình về sử dụng biên chế, kinh phí được giao. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai không đề nghị xử lý trách nhiệm các cá nhân của Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai giai đoạn từ 2013-2016.

Kết thúc phần xét hỏi để chuyển qua phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Gia Lai đề nghị mức án từ 10 năm đến 10 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thế Quang; Bị cáo Nguyễn Thị Lựu bị đề nghị mức án từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm tù; bị cáo Tôn Nữ Huyền Vi bị đề nghị mức án 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù.

Trong vụ án lần này, cơ quan tố tụng mới chỉ đưa ra xét xử việc cấp trùng dự toán đối với 7 biên chế gây thiệt hại gần 2,4 tỉ đồng. Riêng việc sai phạm tài chính, có dấu hiệu trục lợi khoảng 8,8 tỉ đồng (tổng cộng 11,2 tỉ đồng) mà UBKT Tỉnh ủy Gia Lai kết luận vẫn đang được làm rõ.

Trong đó có các khoản như tiền tiếp khách không đúng đối tượng, nguồn kinh phí; hồ sơ không bảo đảm, không đúng thực tế với số tiền trên 3,5 tỉ đồng. Sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại, công tác an ninh không đúng quy định 1,185 tỉ đồng. Từ năm 2014 đến năm 2016 đã lập khống chứng từ để mua văn phòng phẩm với số tiền hơn 1,125 tỉ đồng. Hợp thức hóa hóa đơn để thanh toán 216 triệu đồng tiền quà tết, tiền ăn hội nghị 162 triệu đồng. Riêng tiền mua hàng hóa (bia, trà, cà phê, sữa, bánh kẹo, hoa…) được thanh toán không đúng quy định, hồ sơ thanh toán không minh bạch lên tới 2,5 tỉ đồng. Thậm chí, ông Nguyễn Thế Quang còn ký chứng từ thanh toán cho bản thân đi việc riêng bằng công quỹ trong năm 2015 là 43,7 triệu đồng…

Khi UBKT làm việc, bị can Quang nộp 4,85 tỉ đồng; bị can Nguyễn Thị Lựu nộp 4,84 tỉ đồng và số còn lại do một số cá nhân liên quan khác nộp lại tổng cộng 11,2 tỉ đồng.


Hoàng Thanh