Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết khinh khí cầu kể trên đã “đi chệch hướng so với dự kiến” nên bay vào không phận của 2 quốc gia Colombia và Costa Rica.

Bà Mao Ninh khẳng định đó chỉ là “sự nhầm lẫn do điều kiện thời tiết và khả năng kiểm soát hạn chế”.

“Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm. Chúng tôi luôn tuân thủ luật pháp quốc tế nghiêm ngặt. Chúng tôi đã thông báo cho tất cả bên liên quan và xử lý tình huống một cách thích hợp, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với bất kỳ quốc gia nào” – bà Mao Ninh tuyên bố.

Lực lượng không quân Colombia và Cơ quan Hàng không dân dụng Costa Rica đều xác nhận khinh khí cầu màu trắng kể trên tương tự quả được phát hiện ở Mỹ. Nó được Colombia và Costa Rica theo dõi từ tuần trước. 

Khinh khí cầu được phát hiện trên không phận Colombia. Ảnh: CNN

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) phát hiện khinh khí cầu đầu tiên vào ngày 28-1 khi đang di chuyển phía trên Alaska về phía Đông. 

Các quan chức Washington cho biết khinh khí cầu “được sử dụng để do thám” và Lầu Năm Góc đã theo dõi trong vài ngày trước khi bắn hạ nó phía trên Đại Tây Dương ngày 4-2.

Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ về việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, đồng thời lặp lại tuyên bố khinh khí cầu “được sử dụng cho mục đích dân sự và trôi dạt vào không phận Mỹ do nhầm lẫn”.

Các tàu của hải quân và tuần duyên Mỹ đã có mặt trong khu vực để thu hồi các mảnh vỡ của khinh khí cầu. Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ hợp tác với Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan phản gián để hỗ trợ phân loại và đánh giá.

Chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu ngày 4-2. Ảnh: CNN


Phạm Nghĩa