Bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hy vọng, cho biết nhà vệ sinh luôn là nỗi ám ảnh của trẻ em, phụ huynh và của xã hội từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

Tại Việt Nam, nhà vệ sinh bị coi là “công trình phụ”, không nằm trong các hạng mục xây dựng ở nhiều công trình.

Quỹ Hy vọng và Sanofi Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ để triển khai dự án “Vệ sinh học đường” tại huyện Đồng Văn, Hà Giang

“Do đó, dự án vệ sinh học đường năm 2023 tiếp tục xây dựng thêm 20 nhà vệ sinh tại các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở tại tỉnh Hà Giang. Không chỉ là xây nhà vệ sinh mà thông qua dự án, chúng tôi mong rằng cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến các nhà vệ sinh tại trường học” – bà Thanh nói.

Theo bà Thanh, dự án vệ sinh học đường ra đời tháng 6-2022 đã triển khai xây mới 49 nhà vệ sinh trường học tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Dự án này đã mạng đến cho 7.000 học sinh và giáo viên ở các điểm trường này được sử dụng những công trình sạch sẽ, an toàn.

Bên cạnh xây nhà vệ sinh, dự án tiếp tục thực hiện các hoạt động phổ biến quy cách giữ gìn vệ sinh học đường cho học sinh và giáo viên. Tài liệu hướng dẫn cùng với hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn sẽ trở thành mô hình để địa phương có thể nhân rộng, đồng bộ tại các điểm trường khác trong vùng.

Từ nhà trường, dự án mong muốn tác động thay đổi thói quen vệ sinh đến gia đình và cộng đồng xung quanh. Việc thay đổi thói quen sống và vệ sinh cũng sẽ góp phần giúp các em hòa nhập vào cuộc sống ở các đô thị, nơi các em chuyển đến sống và làm việc sau này. Ngoài ra, dự án này còn cung cấp nước uống sạch tại trường, giúp đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.

Trước đó, Quỹ Hy vọng và Sanofi Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ để triển khai dự án “Vệ sinh học đường” tại huyện Đồng Văn, Hà Giang. Dự án này hưởng ứng chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu vào 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tới năm 2021, cả nước có 188.000 nhà vệ sinh cho học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó 33% nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Báo cáo của UNICEF tại Việt Nam năm 2020 cho thấy việc thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng với các thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng cao tỉ lệ nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ.


Hải Yến