Ngày 20-3, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực tòa án.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chất vấn Chánh án Nguyễn Hòa Bình về nguyên nhân, giải pháp căn cơ cho tình trạng án hành chính bị huỷ, sửa còn cao. “Có phải một phần bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính?”- đại biểu Hoa chất vấn.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa chất vấn Chánh án TAND Tối cao

Trả lời đại biểu, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết vẫn nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. Trong đó, tỉ lệ xử lý thường thấp hơn so với yêu cầu của Quốc hội. Năm 2022, tỉ lệ đạt yêu cầu của Quốc hội song tăng không nhiều, vượt 12%; có tình trạng một số vụ đã có bản án, nhưng UBND các cấp không thực thi, gây bức xúc trong dư luận. Án hành chính có tình trạng huỷ, sửa nhiều hơn so với các án khác.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, có hiện tượng thẩm phán nể nang, né tránh, tuy nhiên số lượng không nhiều. “Khi xét xử, các thẩm phán xét xử các vụ án liên quan UBND các cấp, có sự nể nang, nhưng không nhiều”- Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Sự nể nang không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ huỷ, sửa án cao. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, sự tham gia của chính quyền các cấp trong các vụ án hành chính rất hạn chế.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Luật hiện hành quy định Chủ tịch UBND các cấp khi bị kiện phải ra tòa, chỉ được ủy quyền đến cấp phó. “Trên thực tế, Chủ tịch các tỉnh nhiều việc, nên thời gian tham gia phiên tòa bị hạn chế, việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Việc xét xử các vụ án hành chính thường chậm cũng đến từ nguyên nhân Chủ tịch tỉnh không dự phiên toà, không tham gia đối thoại trước khi xét xử”- ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao cho biết thời gian tới TAND các cấp sẽ nâng cao chất lượng xét xử; đổi mới hoạt động tố tụng hành chính bằng cách giao vụ án ở UBND huyện cho tòa án tỉnh xử, án ở UBND cấp tỉnh thì sẽ thành lập tòa chuyên trách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chất vấn Chánh án TAND Tối cao giải pháp nào nâng cao chất lượng xét xử. Bên cạnh đó, hiện nay các Thẩm phán có nhiều áp lực trong quá trình thực thi công vụ, kể cả mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, trong khi đó chế độ đãi ngộ, bảo vệ chưa tương xứng. “Chánh án có giải pháp nào cho vấn đề này?”- đại biểu Thông chất vấn.

Trả lời đại biểu vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng cơ chế bảo vệ thẩm phán ở Việt Nam hiện nay kém hơn so với nhiều nước. Thời gian tới, TAND Tối cao sẽ có những đề xuất để bảo vệ tốt hơn cho các thẩm phán.


Minh Chiến