Ngày 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 21 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là phiên họp chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 gồm 7 dự án Luật và một dự án đầu tư. Trong đó cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu chỉnh lý 3 dự án Luật đã được trình Quốc hội tại ỳ họp thứ 4 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi). 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 3 dự án luật khác trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023 dự kiến trình tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 bao gồm: Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đồng thời, xem xét quyết định việc bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Dự kiến nội dung này sẽ được dành một ngày vào ngày 20-3 đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực toà án và kiểm sát.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí chịu trách nhiệm trả lời chính.

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình (trái) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng các Bộ Công an, Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực có thể tham gia báo cáo giải trình thêm nội dung này.

Cũng tại phiên họp 21 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án Luật Luật Căn cước công dân sửa đổi và Luật các tổ chức tín dụng.

Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn các nội dung liên quan tới giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nội dung chất vấn còn bao gồm công tác cán bộ của ngành tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn về công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33 năm 2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực kiểm sát, liên quan tới giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Nội dung chất vấn còn bao gồm công tác cán bộ của ngành kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và các công chức của viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm sát.

Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.


Minh Chiến