Ký ức về những Tết xưa vẫn đọng mãi trong tâm hồn của mỗi chúng tôi. Những ngày cuối Chạp, trời se lạnh vào những sáng sớm, xế trưa nắng vàng hươm màu mật ong. Ngoài vườn, ông tôi đang chọn những bụi vạn thọ bông đẹp nhất, vô chậu rồi bưng đặt dài theo mấy góc thềm. Cái màu cam lửa vừa dân dã vừa nồng nhiệt ấy phút chốc làm bừng lên không gian chung quanh nhà.

Bụi mai đứng cạnh bàn thiên nụ xanh óng ướt như ngọc, vài bông vàng he hé, đã thấy mấy con ong ve vãn loanh quanh. Rồi ông nội bắc ghế bê bộ lư đèn trên bàn thờ xuống. A, thích nhất là phụ ông nội chùi lư. Bọn con nít lăng xăng chạy tới chạy lui phụ hợ cái này cái nọ, thỉnh thoảng dừng lại chỗ mấy mâm mứt đang phơi, nghiêng ngó rồi ghé tay bóc “lủm” một miếng.

Nội phơi lá chuối gói bánh tét

Bên trong gian bếp ám khói, lửa phập phù, tiếng củi nổ lép bép, thấp thoáng bóng hình của bà nội, của má. 

Khói la đà bên trên mái lá mang theo cái hỗn hộp mùi quyến rũ của Tết. Mùi của nồi thịt kho tàu dậy lên giữa không gian chừng như yên ả mà kỳ thực ngấm ngầm những rạo rực. Mùi của nồi khổ qua hầm, một chút đắng mà gửi theo cái hy vọng khổ bỏ hết lại năm cũ sẵn lòng chờ đón một năm mới mọi sự hanh thông. 

Quấn quýt trong đó còn là mùi hăng hăng của khạp dưa giá, mấy hũ kiệu để trong tầng dưới gạc măng rê, cả mùi ngòn ngọt cay cay của chảo mứt gừng đang sên kia nữa… Tất cả thắp lên trong lòng bọn trẻ chúng tôi biết bao là háo hức, hồi hộp, sung sướng về một cái Tết no ấm.

Cả nhà quây quần gói bánh

Năm nào cũng vậy, dù kinh tế thế nào thì nhất định cũng phải có nồi bánh tét. Nhớ lắm cái khung cảnh cả nhà quây quần ngồi gói bánh. Bà nội chỉ chúng tôi cách bẻ thế nào để đầu bánh được vuông vắn, cột lạt làm sao để bánh vừa chắc tay nhưng lại không bị “nín”. Bếp bập bùng sáng cả đêm. 

Vào những tháng cuối năm, má gom tàu dừa trong vườn rồi chặt phơi khô, chất thành cự lớn để dùng cho dịp này đây. Không ai mượn, tụi nhỏ vẫn cứ thích thức canh cùng người lớn. Lửa hồng ánh lên trên từng đôi má, ánh mắt trong veo, nằm gác đầu lên chân ông nội lắng nghe ông kể chuyện xưa. Bên ngoài, tiếng con vạc sành kêu sa sả, tiếng chó sủa ong óc xa xa. Rồi mỏi mòn ngủ thiếp đi, mơ toàn những chuyện… trên mây.

Ngoài bánh tét thì bánh ít là loại bánh luôn có ở nhà tôi trong những Tết xưa. Chẳng hiểu sao, bao giờ chiếc bánh ít cũng gợi lên trong tôi nhiều kỷ niệm về bà nội, người bà hiền hậu, bao dung, cả đời vất vả vì con vì cháu của chúng tôi.

Tôi từng hỏi: Vì sao kêu bánh ít vậy nội? Nội cười: Bánh ít của ít lòng nhiều, là tấm lòng hiếu thảo của con cháu dâng cúng tổ tiên, là tấm lòng thơm thảo với họ hàng, chòm xóm đó con. Ngẫm nghĩ rồi tôi cũng hiểu, thì ra vì vậy mà bánh ít được đặt trang trọng cạnh bên đòn bánh tét trên bàn thờ suốt mấy ngày Tết. Và mỗi khi nội đi đám giỗ đâu đó về, chúng tôi reo mừng đón bịch quà “lại quả”, bao giờ cũng có trong đó vài ba cái bánh ít.

Nếp gặt dưới ruộng về phơi khô xong được đem đi chà. Bà sàng để lấy phần hột “trộng” dành gói bánh tét, phần tấm thì đem ngâm xay bột. Cả buổi bà cháu cùng quay cối đá, mồ hôi rỏ giọt trên trán nội, cùng lúc là dòng nước trắng như sữa chảy tí tách xuống chiếc bồng bột mở miệng chờ sẵn phía dưới. 

Buổi tối, nội cột chắc miệng bồng rồi dùng mấy cái thớt đè lên trên. Nước nhỏ tong tong cả đêm để cuối cùng còn lại trong bồng là khối bột trắng mịn màng. 

Sáng tinh mơ, tôi canh dậy sớm để “bẻ bột” cùng nội. Những cục bột trắng tươi mùi khăm khẳm một chút nhưng chứa đựng trong đó tất cả nỗi thấp thỏm, đợi mong. Bà nội cười “Cha con ông cháu nhà này đều ưa nếp hết”.

Khi nồi bánh tét sắp giáp cữ, chuẩn bị vớt thì bánh ít cũng sẵn sàng. Chị Hai nạo dừa, đãi đậu. Má quấy nhưn đậu trên một cái mâm và xào nhưn dừa trên cái chảo gang lớn. Những đứa “uy tín” nhất được cắt cử vò nhưn thành những viên tròn. Mùi thơm của đậu, beo béo của dừa, ngọt lịm của đường quả là cám dỗ. 

Bên này thì bà nội nhồi bột. Phải thật kỹ để nước đường thật ngấm không còn hột “ốc trâu” nào. Rồi bà bắt bột. Bàn tay nội sạm nâu, gân guốc với những đốt gồ ghề, sần chai. Bàn tay thoăn thoắt, trải bột, gói nhưn, nhún và chuyền tanh tách trên chén dầu để bánh không bị dính vào lá khi chín. Rồi đặt nhẹ nhàng lên miếng lá chuối má tôi chìa ra sẵn. Tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh yêu thương ấy. Viên bánh rất tròn, rất trắng, rất nâng niu gửi trong ấy cả tình thương vô bờ của nội dành cho tất cả.

Những phần bánh dành cho ông Tư, ông Năm, chú Bảy được để riêng. Nội nói Sài Gòn chật hẹp, chỗ đâu mà bày biện… Phần còn lại, bánh tét được máng từng cặp trên sào. Bánh ít thì xếp đầy trong thúng, đặt vào một cái gióng treo trên xà nhà. Chúng tôi đi chơi ba đồng bảy đổi đói bụng thì trèo lên mò tay vô lấy một cái, chạy ra sau hè mà lột. Hàng xóm qua chơi trải đệm dưới gốc mận trước nhà đánh cắc tê, tứ sắc. Nội không biết đánh, lâu lâu ghé vô nói chơi một câu, rồi bưng ra dĩa bánh ít. “Quánh bài không lo đói bụng, nghen!”

Gói bánh ít ngày Tết

Rồi Tết vèo qua. Đó là khi tôi nhìn thấy nội xẻ những cái bánh ít cuối cùng trải ra cái sịa phơi trên nóc bếp. Hết Tết, nghĩa là không bay nhảy nữa, là sửa soạn tới trường. Lại ngóng đợi, 360 ngày nữa Tết lại về thôi!

Thấm thoắt mà đã có bao nhiêu cái 360 ngày ấy đi qua đời tôi!?

Cuộc sống đổi mới. Tết bây giờ đầy đủ hơn. Nhưng chúng ta vẫn thèm lắm cái không khí Tết xưa, nghèo mà tràn đầy tình yêu thương bên cạnh ông bà, cha mẹ. Thèm nhìn lại căn bếp xưa thấp thoáng bóng hình của mẹ của bà. Nhìn lại những lọn khói la đà trên mái lá, hít lấy mùi thịt kho, mùi hăng hăng của chậu dưa giá trong gac măng rê… Và nghe lại, dẫu một lần tiếng cười đùa của thơ ấu. 

Ôi, ngày xưa ở đâu? Người xưa ở đâu? Thắp nén nhang lên bàn thờ mà lòng bỗng rưng rưng.


EM NGUYÊN