Ngày 30-8 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013″.

GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phát biểu tại hội nghị – Ảnh: Văn Duẩn

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý nhằm trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết.

Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần bãi bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường. Đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường. Do vậy, cần có quyết tâm chính trị cao để có thể xóa bỏ cơ chế xin-cho, các yếu tố tính cá nhân, bởi đây là những rào cản, động chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều đối tượng.

Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, cần phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai. Theo đó cần lập bảng giá đất phù hợp với giá trị thị trường và cập nhật giá đất hàng năm, bảng giá đất cập nhật qua biến động và cập nhật theo vùng giá trị, công bố giá hàng năm nhưng ổn định giá thu 5 năm/lần. Cùng với đó, cần có quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp, bổ sung thu hồi đất do vi phạm về luật đất đai như chuyển nhượng không đăng ký.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: Nghị quyết 18/NQ-TW/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

Về vấn đề chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, ông Cường đề xuất đối với đất riêng lẻ cần đánh thuế lũy tiến trên phần diện tích hoặc giá trị đất chiếm giữ vượt trên mức bình quân chung. Nợ thuế vượt quá 50% giá trị thửa đất thì thu hồi đất do vi phạm pháp nghĩa vụ tài chính đất đai. Sửa đổi quy định về kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất vùng phụ cận các dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang đô thị, các dự án phát triển kinh tế làm gia tăng giá trị đất liền kề.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất khi sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường. PGS-TS Trịnh Hữu Liên, trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng đây là vấn đề cần đặt ra thấu đáo. Cụ thể, cần làm rõ ai là người xây dựng bảng giá đất; định giá thế nào là sát giá thị trường; giá đất ở vị trí giáp phố này với phố kia thì định giá ra sao.

Theo PGS-TS Liên, bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường thì nhà nước và người dân đều có lợi. Nhưng công tác đền bù thực hiện tại thời điểm trước khi có quy hoạch hay sau khi có quy hoạch là rất khác nhau. “Giá sau khi có quy hoạch sẽ cao hơn rất nhiều. Vậy thì đền bù theo giá nào, nếu không giải quyết được là rất khó thực hiện”- ông Liên nêu.

Về định giá đất và thẩm quyền định giá đất, GS Hoàng Văn Cường cho rằng thành viên Hội đồng không có đủ chuyên môn để thực hiện chức năng thẩm định. Nếu chủ tịch hội đồng là Chủ tịch UBND thì cơ chế Hội đồng khó quy trách nhiệm cá nhân, dẫn đến dễ bị chi phối bởi ý chí cá nhân. Tổ chức tư vấn giá đất chỉ có vai trò và trách nhiệm hạn chế trong quyết định giá đất cụ thể. Vì vậy ông đề nghị cần có đơn vị định giá đất độc lập: Chịu trách nhiệm định giá và cung cấp thông tin giá đất; tư vấn giá phải đưa ra tối thiểu 2 phương án so sánh.


Văn Duẩn