Liên quan vụ việc “Dấu hiệu thông thầu, đẩy giá hàng loạt gói thầu trang thiết bị giáo dục” ở Đắk Nông, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều gói thầu được thực hiện theo quy trình ngược.

Ngành giáo dục và đào tạo huyện Đắk R’lấp có nhiều sai phạm trong mua sắm thiết bị giáo dục

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, hiệu trưởng một trường trên địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết năm 2020, có một người gọi điện thoại nói nhà trường được cấp 1 cái dù che nắng cho học sinh. Do trường ở vùng sâu, vùng xa, 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên nhà trường rất vui mừng tiếp nhận dù che nắng.

Tuy nhiên, sau đó, nhà trường nhận được hồ sơ mua sắm gửi qua đường bưu điện của 1 nhà thầu ở TP Buôn Ma Thuột đề nghị ký vào để thanh toán mua bán dù. “Thực tế khi nhận dù, tôi nghĩ đơn giản nên không yêu cầu kiểm tra kích thước, chủng loại. Sau khi tiếp nhận hồ sơ thì biết chiếc dù có giá hơn 60 triệu đồng và được thanh toán bằng nguồn ngân sách bổ sung” – vị này nhớ lại.

Một hiệu trưởng trường khác ở huyện Đắk Mil cho biết quy trình mua sắm dù ở trường này cũng tương tự trường nêu trên. “Trách nhiệm của nhà trường thì rõ ràng rồi nhưng chúng tôi khẳng định không có tư lợi gì trong việc mua sắm dù che nắng” – vị này này tỏ.

Theo đại diện 5 trường học ở huyện Đắk Mil, 5 trường rất khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất nên khi có thông tin mua sắm dù che nắng thì nhận để sử dụng cho hoạt động ngoài trời của học sinh. Nhà thầu giao dù trước, sau đó gửi hồ sơ, thủ tục mua sắm để trường ký. Nhà trường không có vụ lợi trong việc này.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, có 29 gói thầu mua sắm dù là che nắng, cột bóng rổ tại các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk G’long, Đắk Song có dấu hiệu thông thầu. Nhiều gói mua sắm dù che nắng cho các trường học có dấu hiệu bị thổi giá gấp 4 đến 6 lần so với thị trường. Những chiếc dù che nắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng có giá trúng thầu cao gấp nhiều lần gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Như Báo Người Lao Động Online đã phản ánh, Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kết luận thanh tra các gói thầu đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục và chỉ ra hàng loạt sai phạm, với tổng cộng hơn 2,1 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có tình trạng một số nhà thầu thuộc nhóm gia đình có biểu hiện thao túng thị trường cung cấp thiết bị giáo dục trên địa bàn. Trong thời kỳ 2018 – 2021, 5 hộ kinh doanh ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã cung cấp 235 gói thầu với giá trúng thầu hơn 15,5 tỉ đồng (chiếm 38,8% tổng số gói thầu trên địa bàn). Công an TP Buôn Ma Thuột xác định 5 người này có quan hệ là anh – em ruột, chú – cháu ruột.

Hồ sơ mua sắm của nhóm thầu gia đình trên thực hiện không đảm bảo; đa số hàng hóa, trang thiết bị giáo dục đã cung cấp không có tài liệu, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Một số trang thiết bị cung cấp không đúng quy cách; một số thiết bị có giá cao bất thường so với giá thị trường; không phối hợp với các trường học cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho hoạt động thanh tra.

Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ cho công an tỉnh xem xét, xử lý theo quy định đối với 4 nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu.


C. Nguyên